Chè xanh (hay trà xanh) là thức uống quen thuộc trong văn hóa Á Đông, thường được pha thành trà để thanh nhiệt, giải khát. Là loại chè mang lại vô vàn tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe con người, nhưng không phải ai cũng có cái nhìn chính xác về định nghĩa “chè xanh” này.
1. Chè xanh có phải là chè tươi?
Chúng ta thường hay nói đến những lợi ích tuyệt vời của chè xanh. Thoạt nghe, nhiều người có thể nghĩ chè xanh là chè vừa được hái xuống từ cây và giữ được độ tươi nguyên của lá chè. Trên thực tế, chè xanh và chè tươi là hai định nghĩa khác nhau.
Cây chè có tên khoa học là Camellia sinensis, được dùng chủ yếu để chế biến thức uống gọi là trà – loại thức uống phổ biến thứ nhì trên thế giới chỉ sau nước lọc. Chè tươi và chè xanh đều được hái từ loại cây này.
Chè tươi và chè xanh có gì khác nhau?
Chè tươi là thức uống phổ biến của người Việt, có nguyên liệu gồm lá chè non và già, to nhỏ khác nhau, xanh tươi, không qua chế biến. Lá chè tươi được hái về rửa sạch, vò nhàu lá bằng tay rồi cho vào nồi hoặc ấm đun nước loại to, cho thêm vài lát gừng tươi đun cho đến sôi; sau đó chắt ra bát, chén uống ngay hoặc cho vào ấm tích ủ nóng để uống dần trong ngày, màu nước xanh tươi màu lục diệp.
Còn chè xanh là chè đã qua chế biến theo quy trình: chè nguyên liệu tươi → diệt men → làm nguội → vò → sấy khô → sàng phân loại thành phẩm. Chè xanh đã sấy khô và bảo quản được lâu, nước trà xanh vàng, tươi sáng, vị chát mạnh, có hậu, hương thơm nồng mùi cốm. Chúng ta vẫn thường thấy có nhiều nhãn hàng trà đóng gói trên thị trường nhận định sản phẩm của họ là trà xanh. Vậy trà xanh được phân loại dựa theo tiêu chí nào?
2. Phân biệt chè xanh với các loại chè khác
Có nhiều cách để phân loại chè: theo giống chè, theo đặc tính khoa học, dựa trên xuất xứ, phương pháp chế biến hay cách pha chế đặc trưng,… Vì lẽ đó, trà uống có đến hàng nghìn loại khác nhau. Nếu chỉ tính phạm vi thức uống chế biến đơn thuần từ cây Camellia sinensis thì có 4 loại chè, được phân loại dựa vào cấp độ oxy hóa/lên men trong quá trình chế biến, bao gồm: chè xanh, chè trắng, chè Ô Long và chè đen.
Chè xanh (Lục Trà) sau khi hái sẽ được làm héo sơ bộ và dùng nhiệt độ cao để diệt men nhằm ngăn chặn hoàn toàn quá trình oxy hóa. Chính vì vậy, lá trà sau khi chế biến vẫn giữ được hầu hết các đặc tính tự nhiên vốn có của chè tươi: lá có màu xanh, nước trà có màu tươi sáng, mùi hăng vì vị chát mạnh, bảo lưu được các chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe của người dùng.
Chè xanh được diệt men nhằm ngăn chặn quá trình oxy hóa, lưu giữ những các hợp chất nguyên thủy của búp chè tươi
Các loại chè khác có cấp độ oxy hóa tăng dần:
Chè trắng (Bạch Trà) được chọn từ loại búp chè có lông tơ màu trắng, được phơi dưới nắng hoặc sấy ở nhiệt độ rất thấp, không bị vò để giữ hình dáng vốn có. Với tác động nhẹ và chậm khi chế biến, quá trình oxy hóa diễn ra rất chậm và búp trà giữ nguyên màu trắng đặc trưng.
Chè trắng qua quá trình chế biến công phu
Chè Ô Long (Oolong/Thanh Trà) được oxy hóa một phần (dao động từ 8 – 80%). Mức độ oxy hóa được phản ánh qua nước trà từ vàng hổ phách tới nâu đỏ.
Chè Ô Long có nhiều lớp vị đặc trưng tùy thuộc vào mức độ oxy hóa lá chè
Chè đen được chế biến trong môi trường oxy hóa hoàn toàn. Thành phẩm trà có màu đen nhưng nước trà màu đỏ nên còn được gọi là chè Đỏ hay Hồng Trà.
Chè đen còn được gọi là Hồng Trà
Trên đây là những chia sẻ tổng quan về chè xanh và cách phân biệt với các loại chè khác. Qua bài viết này, hy vọng bạn đã có thể nhận định đúng về chè xanh nhé.